Thông tin hữu ích

Câu Chuyện Thành Ngữ: "Cử án tề mi" (举案齐眉)

Trung Quốc có một kho tàng thành ngữ vô cùng đồ sộ, mỗi thành ngữ thường chỉ vỏn vẹn 4 chữ nhưng ẩn chứa sau đó lại là một câu chuyện sâu sắc xuất phát từ những điển tích điển cố cũng như những hàm ý sâu xa mà thế hệ trước truyền lại cho con cháu đời sau. Để mở đầu cho series câu chuyện thành ngữ, hãy cùng TIẾNG TRUNG THẦY tìm hiểu ý nghĩa cũng như câu chuyện tình đầy ý nhị đằng sau thành ngữ “Cử án tề mi” (举案齐眉) nhé!

  • “Cử” là cất lên, giơ lên, nhấc lên.
  • “Án” là cái bàn, cũng chỉ cái mâm. Trong tích này dùng nghĩa thứ hai.
  • “Tề” là ngang với, đều với cái gì đó.
  • “Mi” là chân mày.

- Dịch: Nâng mâm ngang mày.

- Ý nghĩa: nhất mực tôn trọng nhau, yêu thương thắm thiết, trân trọng yêu thương.

20240220_CbfHOtNl.png

- Câu chuyện:

Đời Hậu Hán (25-219), ở đất Giang Nam có một chàng hàn sĩ tên Lương Hồng. Nhà nghèo, Lương Hồng ở trong túp lều tranh vách đất. Họ Lương chăm học, trọng liêm sĩ, khí tiết, giữ đạo thanh bần cao đẹp. Đức hạnh, tài năng của chàng được người khâm phục, nổi tiếng khắp nơi.

     

Có nhà hào phú mến tài đức của Lương, một hôm đem tặng Lương hai bao trà hái ở núi Vũ Di, một ngọn núi chuyên mọc giống trà ngon nhất ở Trung Hoa. Mặc dù người tặng hết sức nài nỉ nhưng Lương vẫn một mực từ chối. Lần thứ hai, nhà hào phú lại đến viếng. Lần này tỏ ra là người giữ lễ đãi sĩ trọng hiền hơn, nên buộc ngựa từ ngoài xa, đi giày cỏ vào nhà. Gặp giữa lúc Lương đương ngồi trong nhà đọc sách, nhà hào phú không dám kinh động, đứng ngoài từ giờ Ngọ đến giờ Mùi, chờ Lương đọc sách xong bấy giờ mới vào nhà. Ðoạn kính cẩn biếu Lương, cũng một gói trà nữa. Lương Hồng niềm nở đón tiếp nhưng vẫn từ chối nhận trà. Lương nói: “Tôi nhà nghèo được Ngài đến thăm là quý, lựa còn phải tặng trà. Vả, chỗ thanh khí yêu nhau vì tình, trọng nhau vì đức, nếu đem lễ vật tặng nhau e rằng làm cách tình thân nhau mà thôi. Vậy, xin ngài vui lòng giữ lại vật tặng.”

     

Nhà hào phú không biết làm cách nào cho Lương Hồng nhận lấy, lòng càng kính phục, đành phải đem trà về. Thực ra, vì mến tài trọng đức của Lương, nhà phú hào mượn tiếng biếu trà nhưng đã cho vàng nén để vào trong, bí mật giúp đỡ.

    

Ở cùng địa phương có nhà họ Mạnh vốn dòng nho gia giàu có nhất vùng. Tiểu thư Mạnh gia tính nết đoan trang đức hạnh, đương độ kén chồng. Nhiều người dạm hỏi, nàng trả lời rằng chỉ có người hiền đức như Lương Hồng mới xứng đáng là chồng.

     

Thấy nhà họ Mạnh đạo đức, Lương Hồng thuận cùng Mạnh tiểu thư kết nghĩa vợ chồng.

     

Khi làm lễ thành hôn, nàng Mạnh mặc xiêm y lộng lẫy, trang sức toàn vàng ngọc cốt làm tăng vẻ đẹp để làm vừa ý chồng. Lương Hồng thấy vợ như thế không bằng lòng cũng không nói gì, nhưng qua bảy ngày đêm mà chàng chưa chịu làm lễ giao bôi hợp cẩn. Nàng lấy làm lạ, kiểm điểm lại lời nói cử chỉ của mình không tỏ vẻ gì vô lễ. Nghĩ mãi, nàng ngờ rằng vì nàng trang sức lộng lẫy mà chồng không bằng lòng chăng. Nàng liền trút bỏ lớp áo quần tốt đẹp, đồ trang sức ngọc vàng, để mặc y phục vải sợi bông, lấy cành kinh cài tóc thay cho thoa ra hầu chồng. 

     

Thấy vợ như thế, Lương Hồng vui vẻ nói: “Đây mới chính là vợ của ta. Hồng này không màng danh lợi, không ham của bạc vàng. Hồng chỉ muốn cùng vợ cày ruộng, trồng lúa, dệt lấy vải, sinh sống trong cảnh nghèo mà lúc nào cũng giữ tròn khí tiết, đạo đức, vợ lúc nào cũng kính trọng chồng và chồng lúc nào cũng nể yêu vợ.”

     

Lương Hồng mới đặt tên cho nàng là Mạnh Quang. Về sau, hai vợ chồng dọn lên núi Bá Lăng làm đồng áng và dệt vải, khi nhàn rỗi thì đọc sách, viết văn chương hoặc đàn hát.

     

Ít lâu sau, hai vợ chồng nổi tiếng khắp vùng. Hai người đổi họ tên dọn đến sống ở vùng Tề Lỗ. Sau đó, lại ra vùng Ngô Trung thuê một căn nhà của phú ông Cao Bá Thông để ở. Lương Hồng hàng ngày đi xay thóc, cày ruộng, Mạnh Quang thì ở nhà xe sợi dệt vải. Mỗi khi Lương Hồng đi làm về, nàng Mạnh Quang đều bưng mâm cơm cung kính mời chồng, nàng không ngước mắt nhìn lên mà mỗi lần đều nâng mâm cơm cao ngang mày, Lương Hồng cũng rất lễ phép đưa hai tay đỡ lấy mâm cơm. Sau khi Lương Hồng mất, nàng Mạnh Quang đưa con trai về sống ở quê ngoại.

     

Cho đến ngày nay, trên cửa phòng của nhà trai buổi tân hôn, người ta thường dán câu liễn đỏ 4 chữ “Cử án tề mi” để chúc chú rể có vợ hiền đức như nàng Mạnh Quang.

Bài thuộc chuyên mục: Thông tin hữu ích

Đăng ký tư vấn và học thử miễn phí

Trung tâm tự hào về đội ngũ giáo viên kiến thức chuyên môn vững về chuyên môn, chắc về kĩ năng sư phạm, nhiệt tình và tâm huyết với học viên.

Hình thức học tập:

098 565 1306 Đăng ký tư vấn

Đăng ký tư vấn và học thử miễn phí

Trung tâm tự hào về đội ngũ giáo viên kiến thức chuyên môn vững về chuyên môn, chắc về kĩ năng sư phạm, nhiệt tình và tâm huyết với học viên.

Hình thức học tập: